Ba Người Khác Tô Hoài & Ba Người Khác, Ba Người Khác

" data-medium-file="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/tohoai2.jpg?w=300" data-large-file="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/tohoai2.jpg?w=355" class="size-thumbnail wp-image-6512" src="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/tohoai2.jpg?w=150&h=112" alt="Nhà văn Tô Hoài" width="150" height="112" srcset="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/tohoai2.jpg?w=150&h=112 150w, https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/tohoai2.jpg?w=298&h=224 298w" sizes="(max-width: 150px) 100vw, 150px" />Nhà văn Tô Hoài


Chu Mộng Long – Tô Hoài vừa mất ở tuổi 95. Nhà nước tổ chức tang lễ cho ông như tang lễ của một nhà văn lớn. Tôi cũng vừa tìm đọc xong Ba người khác (1) như tri ân tấm lòng của ông đối với hậu thế. Trước đó từng đọc Cát bụi chân ai, Chiều chiều với những dư vị đắng cay của một thời đại mà nhà văn từng trải. Riêng Ba người khác chỉ nghe mà chưa được đọc bao giờ. Các tác phẩm cuối đời của Tô Hoài nghe nói có kẻ liệt vào sách cấm, bị thu hồi, cứ như là sách của địch chứ không phải sách của nhà văn ta. May quá, ở cái thời đại mở cửa, càng nghe phong thanh lệnh cấm, loại sách này càng lao vùn vụt trên xa lộ thông tin và bây giờ không mua được sách thì được dán mắt trực tiếp trên bản PDF.

Bạn đang xem: Ba người khác tô hoài

Tôi có cảm giác, nhiều người nhảy dựng lên hô hoán cấm loại sách như Ba người khác, không phải vì tác phẩm “phản động” mà vì… nó nói đúng tim đen “phản động” của kẻ muốn/ đòi cấm!

Tôi nghĩ, cấm quyển sách này có khác nào cấm Cụ Hồ khóc trước thảm kịch của một cuộc “cải cách” mà thực chất của sự sai lầm không phải do nguyên nhân nào khác ngoài sự lẫn lộn vô thức hay hữu thức giữa ta và địch, như có lần chính Cụ Hồ từng nói, không sợ địch mà sợ ta, địch ở trong ta!

Và cũng thật bất ngờ, những ngày gần đây, sau khi Tô Hoài mất, chính những kẻ thù của cuộc cải cách ấy lại tỏ ra thù chính nhà văn, vì xem những lời “sám hối” của nhà văn chỉ là trò đùa cợt, giả dối. (tại đây).

Một quyển sách “ta” không thích, “địch” cũng chẳng ưa là một quyển sách đáng đọc.


" data-medium-file="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/banguoikhac_1_.jpg?w=120" data-large-file="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/banguoikhac_1_.jpg?w=120" class=" wp-image-6494" src="https://tnmthcm.edu.vn.files.tnmthcm.edu.vn.com/2014/07/banguoikhac_1_.jpg?w=120&h=196" alt="Bìa sách Ba người khác" width="120" height="196" />Bìa sách Ba người khác. NXB Đà Nẵng


Thú thật, đọc lần đầu, tôi không xem Ba người khác là một quyển sách hay với tư cách là một tiểu thuyết như nó được ghi ở bìa cuốn sách. Nó mang tính chất hồi kí, giống như những quyển hồi kí trên kia, hơn là một tiểu thuyết đúng nghĩa. Nó hay hơn những tác phẩm cùng đề tài hiện thực, cùng cảm hứng phê phán, như Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường, Vết sẹo và cái đầu hói của Võ Văn Trực, nhưng công bằng mà nói, chất lượng nghệ thuật không phải xuất sắc như nhiều người thổi lên.

Nghệ thuật hiện đại không nằm ở khả năng ghi chép hiện thực một cách dễ dãi, mặc dù không ai phủ nhận tài năng quan sát nhạy bén, vừa hóm hỉnh, lọc lõi, lại vừa hồn nhiên, tinh nghịch của Tô Hoài.

Nếu xem Tô Hoài chỉ là “thư kí trung thành của thời đại” (Engels) thì Ba người khác có thể hay ở chất liệu kí sự và không hay ở nghệ thuật tiểu thuyết với đòi hỏi của tiểu thuyết hiện đại. Cấu trúc đơn giản, thẳng băng một chiều, thỉnh thoảng có những xáo trộn do rối về tổ chức. Tác phẩm đơn giản như nhớ gì viết nấy. Ông viết vội, chừng như phải chạy đua với thời gian để kịp cất lên lời sám hối thay cho cái thời đại mà thế hệ ông từng là đại diện.

Có lẽ, do không phải chính cái tôi, trong vai anh đội Bối, người kể chuyện trong tác phẩm là nhà văn mà chỉ là một cái mặt nạ cho ai đó không tiện chỉ ra đích danh, cũng như các nhân vật khác buộc phải mang một cái tên hư cấu, cho nên Tô Hoài phải tiểu thuyết hóa một câu chuyện thật mà ông và bạn bè của ông đã từng trải nghiệm qua cái giai đoạn lịch sử bi hài kia.

Ba người khác được tiểu thuyết hóa để Tô Hoài có thể lột mặt nạ mọi thứ nhãn hiệu mà những con người của thời đại ông sống đã nhân danh. Đó là thời đại người ta nhân danh đủ thứ để chống đủ thứ, rốt cuộc họ đã chống lại chính mình. Họ nhân danh công hữu để chống lại tư hữu, cuối cùng những kẻ ấy tư hữu hơn cả những kẻ đã từng tư hữu – một thứ tư hữu vơ vét, chộp giật hơn là tư hữu bằng chính công sức, xương máu của mình. Họ nhân danh cải cách ruộng đất để cướp bóc ruộng đất, tước đoạt tài sản, chống lại địa chủ để trở thành địa chủ. Họ tưởng thực hiện thứ đạo đức mà Marx nói, “là tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình” một cách công bằng, nhưng thực chất đã lấy hận thù đáp trả thù hận, lấy bạo lực đáp trả bạo lực và rốt cuộc, thù hận và bạo lực leo thang, tước đoạt luôn tài sản và mạng sống của bao nhiêu người vô tội.

Các nhân vật trong Ba người khác nhân danh chống cái gì thì từ trong bản chất của chúng hiện hình cái đó. Cả ba “ông đội” được lên “làm trời”, ông nào cũng như ông nào, từ Cự đến Bối, đến Đình, và nấp đằng sau là những ông trời cao hơn, cứ như tên kẻ cắp đi chống kẻ cắp, những tên hủ hóa đi chống hủ hóa, những kẻ thù địch, phá hoại đi chống kẻ thù địch, phá hoại, những tên buôn lậu, tham nhũng đi chống kẻ buôn lậu, tham nhũng…

Đúng là “kẻ thù địch” không ở ngoài ta mà ở trong ta. Người ta cứ hô hoán lên, vu cho kẻ khác thành địch để che đậy thằng địch trong mình! Như đội trưởng Cự chẳng hạn, đang sát thủ chống địch lại trở thành thằng địch sát thủ, thoắt một cái đã chạy sang bên kia giới tuyến thành kẻ ác ôn thù địch với cách mạng!

Lòng vả cũng như lòng sung, những ông đội thay trời kia vừa đố kị lại vừa bảo kê cho nhau trong trò chơi của những con thú hoang dã nhân danh “cách mạng”.

Chính những kẻ này đã làm hưng lên bản chất hoang dã trong những người nông dân ngây thơ hoang dã. Chẳng phải cái giống đực hoang dã đội lốt cách mạng của các ông đội như Cự, như Bối đã đánh thức bản năng hoang dã của những Đơm, Duyên và các cô gái ở làng Am, làng Chuôm đó sao? Tô Hoài đã miêu tả cách mạng đến với nông thôn như gieo vào đó hạt giống của sự lưu manh, đê tiện, từ hoang dã khoác thêm bộ áo văn hóa đạo đức giả. Bản năng hoang dã không chỉ dừng lại ở dục tính mà còn dịch chuyển thành những tham vọng về quyền lực, tiền tài, thúc đẩy con người xông lên với sức tàn phá khủng khiếp mà những kẻ mang danh cách mạng ngộ nhận rằng, đó là sức mạnh của một cuộc cách mạng “long trời lở đất”!

Một cuộc cách mạng kích động vào vô thức bản năng, đơn thuần là bản năng sinh tồn, cuộc cách mạng ấy chỉ có thể mang lại hậu quả tàn phá, hủy diệt khủng khiếp như Hitler, Stalin, Mao, Pol Pot đã làm.

Viết hồi kí như thế là sòng phẳng, tự vấn có chiều sâu, để những nhà cách mạng như ông nhìn lại quá khứ mà suy ngẫm, để những ai có mưu toan làm cuộc đổi thay phải hết sức thận trọng trước dục vọng của loài người.

Xem thêm:

Tuy nhiên, đọc lại lần nữa, câu chuyện không dừng ở cái tầng trệt đó. Bây giờ mới thấy, câu chuyện “hủ hóa” có tính “nhạy cảm”, “thô thiển” bị kẻ khen người chê kia không đơn thuần là chuyện bậy bạ câu khách của Tô Hoài. Quan hệ “hủ hóa” giữa cán bộ cải cách với các cô gái nông thôn chạy suốt trên từng trang sách không còn mang ý nghĩa miêu tả hiện thực nữa mà là một ẩn dụ, một hư cấu có tính nghệ thuật. Nông thôn cứ như một cô gái ngây thơ hoang dã, như Đơm, như Duyên và các cô gái dân quân ấy, sẵn sàng dâng hiến thân xác của mình cho những “người hùng” hoang dã được đội thêm trên đầu chiếc mũ quyền lực thần thánh mệnh danh là lí tưởng. Những “người hùng” ấy có mang lại hạnh phúc cho nông dân như mang lại một cuộc đổi đời, nhưng lại là thứ hoan lạc bản năng, có mang mầm sinh sôi nhưng lại chứa đầy hủy diệt. Cuộc cách mạng giải phóng biến thành cuộc tự do hoan lạc phi nhân tính, chẳng khác quan hệ giữa người hùng và gái đẹp trong các cuộc “chiến tranh giành gái” ở các thiên anh hùng ca thời cổ đại mà F.Engels gọi đó là “sự hợp thức hóa mại dâm một cách thô bỉ”, vì theo Engels, ở đó chẳng có một tình yêu đích thực nào (2). Trong cái nhìn của Tô Hoài, cuộc cải cách được thực hiện một cách bừa bãi kia chẳng khác một cuộc loạn dâm, tạp dâm ở giai đoạn tiền chiếm hữu nô lệ báo hiệu cho thời kì nô lệ mới sẽ hình thành. Câu chuyện “hủ hóa” chồng chéo mạnh ai nấy chiếm đoạt và hưởng lạc giữa các ông đội cải cách như Cự, Bối với các cô gái làng Chuôm, làng Am là kiểu hình tượng có tính biểu tượng của nghệ thuật tiểu thuyết hơn là miêu tả hiện thực theo cách đọc hồi kí thông thường.

Các nhà phân tâm học cấp tiến, như Lacan, Foucault, Derrida, xác định, quyền lực cũng là một kiểu khoái lạc đầy dục tính, trong trạng thái từ bị kìm nén bởi thân phận thấp hèn đến trượt nhanh trên đà giải phóng đã sinh ra thứ hoan lạc – hủy diệt hay bản năng trả thù (kiểu Oedipe) của quyền lực. Chất tiểu thuyết hay dư vị nghệ thuật của Ba người khác phải chăng nằm ở hình tượng dục tính có tính biểu tượng này.

Ba chương đầu ngồn ngộn chi tiết với tất cả sự sống động của cuộc cách mạng được xem là “long trời lở đất”, nhưng chừng như cấu trúc lỏng lẻo, rối rắm, đôi khi lặp không cần thiết. Tôi thích chương bốn hơn, vì tốc độ nhanh, bất ngờ, xốc lại những rối rắm ở các chương trước cho ra kết cấu một tiểu thuyết. Chương này như quay lại cái vòng luân hồi, oan oan tương báo mà những kẻ gây ra tội ác phải gánh lấy tội ác, từ chính bàn tay “đồng chí” của họ. Câu chuyện vượt ra ngoài giới hạn của thời cải cách ruộng đất đầy sai lầm để vươn đến thời hậu cải cách tưởng chừng sáng sủa hơn, nhưng quán tính tự động của nó thì vẫn trượt theo thời gian. Rốt cuộc, cả làm sai lẫn sửa sai đối với những kẻ nhân danh hay cơ hội đều cùng một bản chất, chỉ là lột chiếc vỏ này thay chiếc vỏ khác. Mọi thứ lại tiếp tục nhân danh, thay thế hệ “cách mạng” này thành thế hệ “cách mạng” tiếp theo bằng những cuộc đấu đá nội bộ, cạnh tranh sinh tồn để “tiến lên” thành một cuộc cạnh tranh sinh tồn mới, láu cá hơn, lưu manh hơn, khốc liệt hơn.

Tất nhiên là Tô Hoài giới hạn trong cái hệ thống khép kín của quyền lực phi lí tính, những kẻ cơ hội đục nước béo cò, chứ không phải vì thế mà quy chụp cho tất cả những người cộng sản chân chính.

Ba người khác trong ý nghĩa khái quát nhất của nó là cuộc hành lạc có tính tạp dâm được mệnh danh là “cách mạng”, “cải cách”. Cuộc hành lạc ấy xoay quanh một cái trục xỏ xiên qua mọi hướng theo chủ nghĩa cơ hội, duy lợi mà anh đội Bối là một hình tượng có tính tự thú. Nó mở đầu bằng cuộc hành lạc tự do với nông dân để thỏa mãn lạc thú của trò chơi giải phóng, vừa công khai vừa lén lút, vừa trắng trợn vừa tỏ ra đạo đức. Bối không từ bỏ cơ hội nào trong mọi điều kiện có thể để hành lạc với cả Đơm lẫn Duyên, kể cả những cô gái khác, là cô vợ nông dân sau này chẳng hạn. Khi thỏa mãn cuộc hành lạc đầy bản năng dã thú tự nhiên ấy, nó chán chê và chuyển sang cuộc hành lạc mang sắc màu văn minh hơn, nhưng đầy xác thịt hơn, văn minh tư sản. Hình ảnh anh đội Bối chán cô vợ nông dân, dị ứng với cái nách áo phơi đầy ghét bẩn mà trước đây anh ta từng dí mũi vào đó, báo hiệu cho sự xung đột tất yếu giữa cán bộ và nông dân, từ đó, xoay cái trục hành lạc đánh đĩ sang đối tượng khác. Bối nhận món hàng từ nước ngoài gửi về trong niềm sung sướng xác thịt, cái bả tư sản phương Tây làm anh phì nộn ra, anh đội cải cách thất sủng từ dưới hố lao động bơm xe vỉa hè tự dưng bước lên đỉnh của sự no say phè phởn, như bọn ngồi mát ăn bát vàng mà anh từng giương khẩu hiệu đánh đổ. Anh đã chơi một cuộc chơi trút cạn hết tinh lực và cuối cùng phải làm nô lệ cho xác thịt của mình và cho kẻ khác.

Tôi quan tâm đến nhân vật Tư Nhỡ đầy bí ẩn, lập lờ giữa Hán gian và Việt gian đã móc nối anh làm kẻ đưa hàng, giao hàng cho nó thông qua những bản giao kèo bí ẩn. Tên này gốc nông thôn và hiện hình như một gã trung lưu, tuổi trẻ râu dài, dán thêm cái nhãn “lều cô đơn”, không theo Tây cũng chẳng theo ta, bề ngoài ngọt ngào với cán bộ cải cách, nhưng bên trong lại đầy mưu mô giảo quyệt. Nó có rơi vào vòng cảnh giác của cách mạng và suýt bị mang ra đấu tố nhưng lại thoát hiểm và chạy ra thành phố để hiện nguyên hình là tên gian thương với bản chất Hán gian – “Xìn Tiên, Xin Tiền”. Nó kết hảo với cán bộ cao cấp để lũng đoạn cả cơ chế, biến chính trường thành thương trường. Cuộc hành dâm cao cấp này ắt sinh ra nghiệt chủng mà chính những người nông dân ngây thơ từng dâng hiến cả thân xác lẫn tinh thần của mình cho cách mạng phải gánh chịu hậu quả lâu dài.

Tô Hoài đã khái quát nên một cuộc chơi mang tên “cách mạng” với những quan hệ tạp nham, hai mang, phi bản sắc và đầy thực dụng: hết hành lạc với nông dân vô sản lại quay sang tư sản, hết tư sản lại quay sang gian thương, trong đó Tây, Ta, Tàu nếu cần chơi tuốt. Rốt cuộc, trò chơi ấy đã biến chủ nhân của thời đại thành nô lệ cho những đòi hỏi xác thịt của chính nó chứ không cần nô lệ cho ai khác.

Engels thật xác đáng khi nhận xét, con người đến khi làm chủ được tư liệu sản xuất và tài sản, chính nó lại trở thành công cụ hay nô lệ của tư liệu sản xuất và tài sản mà nó sở hữu.

Vậy là chế độ tư hữu không chết, nó chỉ thay lốt này sang lốt khác – một chế độ tư hữu mờ ám, không minh bạch, mà ông quan đeo kính trắng giàu có trên chiếc ô tô bóng lộn hàng ngày bí mật đưa hàng lậu, tham nhũng qua tay anh đội cải cách trước đó bị thất sủng để chuyển sang cho bọn gian thương là một hình ảnh đại diện hay một biểu tượng của chủ nghĩa cơ hội trong thời đại Tô Hoài.

“Ba người khác” là “ba đồng chí” khi họ cùng chung một chí hướng làm đảo lộn mọi trật tự xã hội, mọi giá trị làm người để quay về thời hoang dã, và trong cái thế giới hoang dã ấy, họ lại cạnh tranh sinh tồn khốc liệt để phân hóa thành “ba thằng khác”!

Rốt cuộc, Tô Hoài muốn đặt ra câu hỏi: ý thức hệ là cái gì, bản sắc dân tộc ở đâu khi trong đầu những kẻ cơ hội đi theo “cách mạng” ấy không có một chút lí tưởng nào, kể cả những hiểu biết tối thiểu về con người, về cách mạng, ngoài bản năng sinh tồn hoang dã để trở thành công cụ cho những ông nhớn kích động và lợi dụng. Cuộc cạnh tranh này báo hiệu cho một sự kéo dài dai dẳng, phức tạp mà người ta thường hay gọi là “thời kì quá độ” chăng? Có oan cho Marx không?

Tôi hiểu tại sao Cụ Hồ không tuyên bố “thắng lợi” như các sử gia đã viết trên các trang sách giáo khoa mà lại giàn giụa nước mắt để cáo lỗi trước quốc dân đồng bào. Không đơn thuần chỉ là nỗi đau mất mát của bao nhiêu người bị chết oan khuất mà còn là nỗi đau trước sự hung hãn đầy bản năng của đồng loại, trong đó có cả những dự cảm về sự nhồi da xáo thịt từ trong nội bộ bằng hữu, nội bộ dân tộc mà sau này vẫn còn ám ảnh, day dứt khôn nguôi trong trái tim Người trên từng trang Di chúc!

Marx – Engels từng cảnh báo: “Có thẻ đảng chưa phải đã là người cộng sản”. Phải chăng Tô Hoài muốn khai triển sự hoài nghi ấy thành hình tượng văn học để vạch trần chân tướng những kẻ đội lốt cách mạng hay nhân danh lí tưởng để, cả vô tình lẫn hữu ý, phá hoại cuộc cách mạng tốt đẹp mà các ông tổ cộng sản đã đề xướng!

Cho nên, không phải vì Ba người khác mà hô hào “bắn đại bác” vào cách mạng như người ta đã lợi dụng nó để bắn loạn xạ cho hả hê, thỏa mãn sự hằn thù, kể cả động cơ quy chụp, xuyên tạc, kích động chia rẽ dân tộc. Hơn nửa thế kỉ rồi mà hận thù giai cấp vẫn chưa hóa giải thì còn mong gì hòa hợp để đi đến dân chủ bình đẳng? Người cộng sản chân chính không khoét sâu vào sự thù địch mà đi tìm sự hòa điệu, và trên hành trình ấy không thể không mắc phải những sai lầm ấu trĩ. Điều quan trọng là sự dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, sự thật bên trong con người của chính mình kia. Ba người khác trong con người Tô Hoài xét đến cùng cũng chỉ là “thói hung hăng, hống hách láo tổ chỉ để đem thân trả nợ cho đời” như chú Mèn năm xưa. Tôi tin Tô Hoài với giấc mơ về thế giới đại đồng trong Dế Mèn phiêu lưu kí xưa kia sẽ không bao giờ “phản động” mới có được những trang viết chống “phản động” trung thực nhất nhờ sự phản tỉnh có chiều sâu.——————-

(1) Tô Hoài, Ba người khác, NXB Đà Nẵng.(2) F. Engels, Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

x

Welcome Back!

Login to your account below

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.